Cô giáo người Mường giúp học sinh “du lịch” 40 nước

Không cần visa, học sinh của cô Hà Ánh Phượng có thể du lịch 40 quốc gia khác nhau trên thế giới thông qua lớp học “Xuyên biên giới”. Là đại diện đầu tiên của Việt Nam lọt top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu, do Ban tổ chức giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do Quỹ Varkey (Varkey Foudation) lựa chọn, cô Hà Ánh Phượng gây ấn tượng và bất ngờ với mô hình “Lớp học xuyên biên giới” “hiếm có khó tìm” khiến học sinh “phát nghiện” mỗi khi đến tiết học.

Nhận công tác tại trường THPT Hương Cần (Phú Thọ) năm 2016 sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Trường Đại học Hà Nội, cô Hà Ánh Phượng nhận thấy, ngôi trường này có hơn 85% học sinh là con em các dân tộc thiểu số. Ngày đầu tiên đến lớp, cô Phượng hết sức ngỡ ngàng bởi các em nơi đây ngoan ngoãn, lễ phép, nhưng còn rất rụt rè, ngại tiếp xúc và chợt nhận thấy trong ánh mắt của các em là niềm khao khát được khám phá kho tri thức khổng lồ đang còn ẩn chứa ở đâu đây.

Điều khiến cô giáo trẻ trăn trở nhất đó là làm thế nào để “bất cứ học sinh nơi nào cũng có thể được hưởng những nền giáo dục tốt nhất” và “học sinh ở miền núi cũng có cơ hội học tập như học sinh ở thành phố”.

Cô Phượng luôn tâm niệm “giáo dục là không giới hạn” và “Anh ngữ là sinh ngữ” vì thế trong 5 năm qua, cô không ngừng tìm hiểu những phương pháp dạy học, những giải pháp để thu hẹp những khoảng cách mà học sinh mình đang có so với đà phát triển của thế giới.

Với những suy nghĩ đó, cô Phượng đã cho học sinh tham gia vào mô hình “lớp học xuyên biên giới” nhằm kết nối học sinh của mình và học sinh các nước khác trên thế giới.

Cô Phượng cho biết, mô hình lớp học xuyên biên giới ở đây khác với những lớp học trực tuyến thông thường ở các đơn vị giáo dục như Trung tâm tiếng Anh, các lớp học tư nhân ở chỗ đây là mô hình miễn phí và việc kết nối là xuyên quốc gia giữa các đơn vị giáo dục trên phạm vi toàn cầu và thường tại lớp. Tại đây, các trường học trên toàn cầu được kết nối với nhau qua nhiều bộ môn học như Toán, Lí, Hóa, Sinh, Tiếng Anh, Lịch Sử… qua hội nhóm giáo viên trong nước và toàn cầu, thường là từ nguồn giáo viên tham gia diễn đàn giáo viên sáng tạo toàn cầu của Microsoft.

“Ở đó các em không chỉ có cơ hội được luyện tập nghe, nói, phát âm với các thầy cô giáo và các bạn nước ngoài, mở mang kiến thức về văn hóa mà còn là niềm say mê môn học ngoại ngữ, niềm khao khát được trở thành những công dân toàn cầu để rồi cô trò chúng tôi đã du lịch không Visa trên 40 quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới. Học sinh ở các nước khác nhau như Mỹ, Nhật, Ấn Độ… dù khác nhau về màu da, khoảng cách địa lý, nhưng các em có thể tìm hiểu văn hóa  nước bạn, cùng trò chuyện. Nhìn sự tự tin khi giao tiếp tiếng Anh của các em, tôi tin rằng học trò của mình sẽ trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai”, cô Phượng hào hứng chia sẻ.

Nói thêm về mô hình này, cô Hà Ánh Phượng cho biết, những giáo viên tham gia “Lớp học xuyên biên giới” đều là những người uy tín, được kiểm chứng qua diễn đàn giáo viên sáng tạo của Microsoft, là giáo viên của các trường trên thế giới, không đơn thuần là những người nước ngoài. Khi tham gia diễn đàn giáo dục, giáo viên hướng dẫn sẽ vừa có thể lựa chọn được giáo viên và bộ môn thích hợp với học sinh của mình.

Qua lớp học này, học sinh có cơ hội học hỏi không chỉ kiến thức tiếng Anh, tăng khả năng nghe nói thực tế, có thêm động lực học tiếng Anh mà còn có cơ hội giao lưu văn hóa với thầy cô và các bạn học sinh nước ngoài.

Đặc biệt, mô hình này hoàn toàn miễn phí cho các nhà trường. “Nếu thuê một giáo viên nước ngoài, chi phí sẽ rất lớn, trung bình từ 15-28 USD/giờ nên không phải cơ sở giáo dục nào cũng đủ sức chi trả và học sinh nào cũng được học với giáo viên nước ngoài”.

Sau quá trình thực hiện, cô Hà Ánh Phượng cho biết, học sinh của cô đã mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Việt, điểm kỹ năng nghe, nói có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các em có thể chủ động trong việc sử dụng các ứng dụng dạy học hiện đại để tiếp cận tri thức.

“Điều khiến tôi thật sự bất ngờ là bên cạnh những ứng dụng do tôi hướng dẫn, các em học sinh còn mạnh dạn đề xuất các ứng dụng nhiều tính năng hơn. Khả năng thuyết trình, khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, kỹ năng giải quyết vấn đề, phát triển tư duy phê phán… là những điều mà tôi nhìn thấy rõ ở các em”, cô Phượng hào hứng chia sẻ.

Không chỉ dạy cho những học sinh tại trường, để giúp đỡ cộng đồng, cô Hà Ánh Phượng cùng một nhóm giáo viên chuyên môn còn tham gia dạy trực tuyến miễn phí cho trẻ em ở nhiều quốc gia. Sáng chủ nhật hàng tuần, cô cùng một giáo viên Ấn Độ chia nhau ra dạy trực tuyến cho trẻ em ở các khu ổ chuột tại Ấn Độ. Ngoài ra, để lan tỏa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, cô giáo trẻ này cũng dành thời gian dạy văn hóa Việt Nam cho trẻ em gốc Việt ở California (Mỹ).

Với khao khát được cống hiến không ngừng, bên cạnh mô hình lớp học xuyên biên giới, cô Hà Ánh Phượng đã cùng học sinh thực hiện nhiều dự án như “Nói không với ống hút nhựa”, “Thư viện hạnh phúc” để rồi các em học sinh có thêm nguồn sách ngoại văn miễn phí trong việc học tập và tìm kiếm tri thức.

Từng từ bỏ cơ hội làm việc tại nước ngoài với mức lương hàng ngàn USD, cô Hà Ánh Phượng vẫn quyết tâm theo đuổi nghề giáo. Cô Phượng chia sẻ: “Với tôi công việc nào cũng có khó khăn, không thể chỉ trải đầy hoa hồng. Việc trở thành giáo viên là một sự may mắn rất lớn, nhiều người cho rằng tôi “hâm” khi bỏ nhiều cơ hội việc làm tốt để trở thành một cô giáo trường làng. Tuy nhiên những việc mà tôi đang làm, những giá trị mà tôi đang tạo ra lớn hơn rất nhiều những giá trị mà tiền bạc mang lại””.

 

Form đăng ký tư vấn

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *